Bà Hội Đồng nhột cứng người vì mắc cỡ. Bà lầm tưởng Tư Lùn bóng gió xa xôi. Bà cựa mình gắt gỏng:
– Con này bộ rủa tao hả. Mập mạp gì thây kệ tao. Trù ẻo hoài?
– Dạ … Con đâu dám. Con thấy bà phát tướng thiệt tình chớ bộ.
– Thôi dẹp ba cái vụ đó đi. Nè, vậy chớ bên Hà Tiên mày còn ai bà con thân thích gì hôn?
– Dạ còn… Ở bean con còn người cậu Năm, mần nghề giăng câu. Ủa, mà bà hỏi chi vậy?
– Nhà bển có rộng rải không?
– Dạ… Thì dân chài lưới mà, kiếm đồng nào lủm đồng đó. Nhà cửa như cái chòi còn thua cái chuồng trâu của bà nữa đó.
– Mà bây nhớ đường vìa bển hông?
– Dạ nhớ. Ủa mà chi vậy bà?
– Con này sao cứ hỏi hoài. Thôi xuống sửa soạn áo quần. Nhớ dặn thằng Tư Cò lo ghe cộ, khuya đưa tao với bây vìa bển.
– Dạ… để con xuống nói với chú Tư Cò là bà biểu lo ghe cho bà mai đi sớm.
– Nhớ dậy sớm à. Nè, tao dặn mày hỏng được nói ví ai là đi đâu nghe chưa. Dặn thằng Tư cũng ngậm miệng cho tao.
– Dạ… Lỡ mấy dì chú như ông Sáu hỏi thì con nói sao hở bà?
– Thì mày nói hỏng biết có được hôn?
– Dạ, được. Thưa bà con xuống chòi.
Chuyện bà Hội Đồng Tơ ở Tắc Bằng Lăng, bỗng nhiên mất tích được đồn đãi khắp đầu trên xuống xóm dưới, đủ điều thêu dệt. Nhưng chung qui cũng chẳng ai mò ra sự thật. Có người còn ác miệng ác mồm phao tin rằng bà Hội Đồng đi chợ gõ dây thép cho con trai, lúc vìa ngang qua vàm Cả bị chìm ghe.
Chỉ có một người duy nhất là chú Sáu Thìn biết rõ cô chủ của mình còn sống. Nhưng chú cũng mù tịt về việc bà Hội Đồng đi đâu, mần gì. Giữa đêm khuya hôm đó, trước giờ lui ghe vì phải chờ con nước, bà Hội Đồng đã kêu chú Sáu Thìn lên dặn kỹ:
– Chú Sáu ở nhà coi sóc lúa thóc, trâu bò. Tui đi ít lâu sẽ vìa.
– Dạ… Bà Hội Đồng cứ an tâm, việc nhà có tui lo.
Thế rồi bà Hội Đồng ra đi. Tiền bạc vòng vàng mang theo hay cất dấu chỗ nào không ai rõ. Nhưng ông Sáu Thìn bình chân như vại, ngày ngày chăm sóc ruộng đồng điền cho chủ, không hề xê xít đồng xu lon gạo. Lâu dần, vụ bà chủ vắng nhà chẳng còn nghe ai nhắc nhở tới nữa. Ông Sáu Thìn buổi đầu còn thắc mắc, nghĩ tới tính lui đủ điều mà rồi về khuya về dài, chú cũng ngơ luôn. Chủ dặn sao làm vậy, tới đâu hay tới đó. Tính ra bà Hội Đồng đi đã tròn sáu tháng.
Trong lúc đó, ở Hà Tiên, chỉ có Tư Lùn và Tư Cò biết rõ nội vụ bà Hội Đồng mang bầu oan.
Một đêm, Tư Lùn đang ngủ say như chết, bỗng bị Năm Bo kêu dậy giật ngược, giục giã:
– Lùn … Con mau chân lẹ cẳng chạy xuống rước cô mụ Năm lên gấp… Hình như bà chủ bây chuyển bụng đau rên dữ lắm rồi đó.
Tư Lùn ngáy ngủ, nửa mê nửa tỉnh bương bã xách đèn chạy đi rước cô mụ Năm, lúc đó cũng đương bận đỡ đẻ cho một bạn chài. Chừng Tư Lùn với cô mụ tới nơi, thì ông Năm Bo đã làm bà mụ bất đắc dĩ cho bà Hội Đồng rồi.
Con nhỏ chào đời, nặng hai ký lô rưỡi, mặt mày xinh xắn, mủm mĩm thật dễ ghét. Đã vậy, trên lưng còn có cái dấu son tơ cỡ trứng gà trông thật ngộ nghĩnh.
Bà Hội Đồng không chịu đặt tên, vì bà lâu nay chỉ mong ước rằng sẽ sanh được con trai ngờ đâu đứa bé lại là con gái. Vẻ mặt bà buồn xo. Bà tâm sự với anh Năm:
– Thiệt tình con tui đứt ruột đẻ ra, trai hay gái gì tui cũng thương hết. Ngặt một điều là tui không thể nào đem đứa con này vìa Tam Bình được. Bởi vậy tui muốn cậy nhờ anh thương cho trót mà nuôi dưỡng đứa bé này giùm tui.
Ông Năm suy nghĩ một hồi lâu trả lời:
– Tui già cả trọng tuổi biết còn khoẻ mạnh được bao lâu. Nhận con bà lỡ tui ngã lăn ra chết bất đắc kỳ tử thì lấy ai chăm sóc nuôi nấng nó. Chuyện người ta dị nghị đàm tiếu thây kệ họ.
– Anh Năm à. Đâu phải tui sợ gì thiên hạ dèm pha mà chỉ vì thằng anh nó…
– Ủa… Thằng anh nó thì mắc mớ gì mà bà sợ?
Bà Hội Đồng vụt khóc nức nở, một lúc lâu bà mới nguội ngoai tâm sự:
– Hổng dấu gì anh. Đàn bà có phút nhẹ lòng ăn năn hối hận thì đã chuốc nhuốc nhơ. Nhưng vì thương bào thai vô tội nên tui ẩn nhẫn chờ đợi ngày sanh đẻ xong sẽ giao con cho cha nó, ngặt cái ảnh chết rồi. Đem con nhỏ vìa, con trai tui nó làm nhục tui mặt mũi nào mà nhìn nó.
– Nhưng mà …
Bà Hội Đồng đưa tay vô túi áo móc ra sắp giấy bạc và gói vàng mà bà đã chuẩn bị trước. Bà ngắt lời ông:
– Thôi anh cũng nể tui mà vui lòng nhận số tiền năm trăm đồng này, và hai chục lượng vàng để nuôi giùm đứa bé. Ngoài ra tui cũng có để lại cho nó một sợi dây chuyền hình trái tim cẩm thạch để làm kỷ niệm khi nó lấy chồng.
Ông Năm suốt đời lam lũ, đổ mồi hôi mẹ mồ hôi con chắc mót chũng dư chưa được tới 10 đồng. Bây giờ đương không giàu sụ. Ông tưởng mình nghe lộn nên cứ đứng chết trân, miệng há hốc ngó bà Hội Đồng. Đến khi ông đã nắm trong tay đủ các thứ nào là tiềng, vàng, dây chuyền ông mới biết rằng mình không nằm chiêm bao. Tuy vậy, ông vẫn bán tín bán nghi:
– Rồi mai kia mốt nọ bà có bắt con lại không?
– Không. Tôi khổ vì xa con mình nhưng tui hứa sẽ không bao giờ đòi hỏi hay bắt con lại đâu.
– Rồi bà tính đặt nó tên gì ?
– Tên gì cũng được. Coi như nó là con anh. Tuỳ anh thích tên gì thì cứ đặt.
Ông Năm đi qua đi lại suy nghĩ một hồi rồi quay qua bà Hội Đồng nói:
– Tui định đặt cho nó tên là Lành, được hông bà?
– Thì con anh muốn đặt tên gì cũng được mà. Mà Lành nghe cũng tốt lắm. Vậy thôi… vài bữa nữa tui nhổ sào lui ghe vìa bển. Anh ở lại coi sóc nó nghen.
– Được rồi… bà cứ yên tâm.